ẤN TƯỢNG HỌC SINH NGƯỜI VIỆT Ở ĐỨC

0
696

Nổi tiếng với việc chắt chiu, tranh thủ từng phút thời gian để kiếm tiền nên cuộc sống của nhiều kiều bào ở Đức những năm gần đây rất ổn định. Thế nhưng, việc được mọi người nhắc đến nhiều không phải cuộc mưu sinh vất vả trên đất khách quê người mà chính là sự học của những thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở Đức. Các em học tập tốt, dễ hòa nhập, thích nghi với cuộc sống ở nước sở tại, nhưng mặt trái của nó cũng có những điều rất đáng nói.

1_183466
Một giờ học nhạc của học sinh trường Pestalozzi ở Edingen

Học và chơi

Theo lời kể của Văn Hải – cậu đầu bếp tôi gặp tại một nhà hàng ở Berlin thì phần đông người Việt sang Đức đều làm kinh doanh, chăm chỉ, chịu khó thu nhập cũng khoảng 2-3 ngàn eur/tháng. Bố mẹ Hải là công nhân sang đây từ những năm 1980 theo chính sách hợp tác giữa Việt Nam và Đông Đức rồi xin ở lại.

Những ngày đầu còn nhiều khó khăn, rào cản bởi ngay sau khi nước Đức thống nhất, các công nhân hợp tác lao động là những người đầu tiên bị mất việc làm. Họ phải tìm mọi cách xoay xở để sinh sống, như mở quán ăn nhanh, mở cửa hàng rau, quả, cắt sửa quần áo, bán hoa, buôn bán vỉa hè. Sau thời gian khó khăn đó, có điều kiện họ rất chăm chút vào việc học của con.

Đa phần học sinh người Việt tại Đức học rất giỏi, tỷ lệ đỗ vào trường chuyên và đại học cao hàng đầu trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Đức. Theo thống kê sơ bộ, học sinh Việt Nam đỗ vào các trường chuyên đạt 53%, thành tích cao nhất trong cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Đức. Đài truyền hình Đức cũng có những bài phóng sự nói về “Người Việt Nam khôn ngoan”. Họ còn cho hay học sinh gốc Việt nhận được bằng tú tài nhiều hơn là cả học sinh Đức cùng trang lứa.

Nhiều người đặt câu hỏi, chắc có một phương pháp đặc biệt hay sự đầu tư tối ưu nào chăng. Thế nhưng, với gia đình anh Phan Hùng ở quận Lichtenber, TP Berlin và nhiều người tôi hỏi, họ lại có quan điểm khác. Anh Hùng kể, đa phần các cháu ở đây đều đến trường 5 ngày trong tuần, riêng thứ bảy và chủ nhật chúng xếp lại sách vở và dành tất cả thời gian cho vui chơi, dã ngoại.

Bố mẹ chỉ nhắc nhở những ngày đi học, còn cuối tuần để chúng tự do. “Và cả năm học phụ huynh không biết mặt thầy cô giáo của con, nếu có chuyện gì thì chúng tôi liên lạc qua điện thoại, email…Các cháu khá thoải mái và tự lập trong việc học tập và vui chơi” – anh Hùng chia sẻ.

Về các khoản học phí, anh Hùng bảo “free 100% luôn. Trẻ em ở đây từ lớp mẫu giáo đến Đại học không mất một đồng tiền học phí. Tất cả đều được trợ cấp. Còn khi vào đại học, sinh viên đều có thể vay một khoản tiền từ 400-500 euro/tháng. Số tiền này được sử dụng cho tiêu dùng cá nhân và phải trả sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng, nếu sinh viên đó ra trường thất nghiệp thì số nợ này cũng đồng thời được xóa bỏ”.

Chị Lê Tố Nguyên, ở TP Heidelberg đang có con theo học ở trường Pestalozzi kể, người Đức thường quan niệm rằng, một nửa não để học, một nửa não để dành cho âm nhạc. “Trong các lớp học ở đây, thời gian dành cho vui chơi, âm nhạc và các giờ ngoại khóa nhiều hơn những tiết học văn hóa. Trung bình một năm học, trừ những tháng nghỉ hè, nghỉ lễ các em chỉ học chính thức khoảng nửa năm. Bọn trẻ khá thoải mái trong việc học, không căng thẳng, gò bó hay phải học tủ. Có lẽ với phương pháp giáo dục cộng thêm tố chất thông minh vốn có cùng sự quan tâm, nhắc nhở của bố mẹ nên nhiều cháu đạt được thành tích cao hơn các bạn trong lớp”– chị Nguyên kể.

Chị bảo, nhà mình và một số hàng xóm là người Việt ở gần đó nếu có điều kiện chỉ nghĩ đến việc cho các cháu học thêm âm nhạc, thể thao, bơi lội. Quan điểm đầu tiên của mình là con phải khỏe mạnh, năng động và có kỹ năng sống…Cũng vui vì các cháu luôn được đứng đầu lớp với điểm số 1 (= điểm 10 ở Việt Nam).

Hài hòa quê cha – quê mẹ

Thế nhưng, nếu nói rằng kết quả học tập, sự hòa nhập của các em ở môi trường mới là hoàn hảo thì không hẳn vậy. Học tốt, nói tiếng Đức lưu loát nhưng sự bất đồng ngôn ngữ giữa hai thế hệ trong một nhà cũng không phải là chuyện hiếm. Lý do cũng khá đơn giản, mỗi ngày các bậc phụ huynh phải dành ra tới 10-12 tiếng để mưu sinh nên việc gia đình quây quần bên nhau rất khó.

Họ ra ngoài lúc con cái đã đến trường và trở về lúc bọn trẻ bắt đầu đi ngủ. Bữa cơm vào lúc đêm khuya thường chỉ có hai vợ chồng. Ít tiếp xúc với bố mẹ, trong khi ngôn ngữ bọn trẻ giao tiếp ở trường cũng như trên một số phương tiện truyền thông đa phần là bằng tiếng Đức nên sự bất đồng là điều dễ lý giải.

“Nhiều lúc muốn kể cho các cháu nghe về những câu chuyện ở quê nhà, về ông bà nội ngoại, đám giỗ chạp hay cưới hỏi, thế nhưng bọn trẻ tiếp nhận rất thờ ơ. Có thể do các cháu không nắm vững tiếng Việt nên không thể cảm nhận hết những tình cảm đó” – Anh Hùng chia sẻ.

Xuất phát từ thực tế đó, không ít lớp học tiếng Việt dành cho các thế hệ hứ hai đã được mở ra với tâm huyết đưa tiếng Việt tới gần hơn với những đứa trẻ người Việt. Gần đây nhất, chị Nguyễn Hồng Hạnh và các cộng sự của mình đã tự xuất bản cuốn từ điển bằng tranh song ngữ Đức – Việt đầu tiên dành cho trẻ em ở CHLB Đức. Đây là tài liệu giúp con em Việt kiều có thêm cơ hội tìm hiểu văn hóa Việt và tiếng Việt.

Theo lời chia sẻ của chị thì “với những người trẻ như mình, dòng máu Việt đã ngấm trong cơ thể thì dù đi đâu cũng sẽ không bao giờ quên được nguồn cội. Nhưng, những em nhỏ gốc Việt Nam lại rất cần được truyền tình yêu tiếng Việt và nước Việt. Nếu người lớn không hành động thì rất khó đòi hỏi các em tự biết yêu nước Việt được”.

Chia sẻ về vấn đề học tiếng Việt, chị Tố Nguyên cũng cho biết thêm, với thế hệ thứ nhất đúng là nhiều người lơ là việc học tiếng Việt cho con em mình vì họ không có thời gian. Còn mình là thế hệ thứ hai sống và làm việc ở Đức nên ngoài 8 tiếng làm việc là dành hết thời gian cho gia đình. Mình có ra quy định mỗi ngày các cháu phải nói chuyện 15-20 phút bằng tiếng Việt với mẹ và thỉnh thoảng cho các cháu gọi điện về nhà gặp người thân, họ hàng giúp các con hài hòa tình cảm, tình yêu với quê cha và quê mẹ.

Học sinh người Việtđỗ vào các trường chuyên đạt tới 53%, thành tích cao nhất trong cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Đức. Đài truyền hình Đức cũng có những bài phóng sự nói về “Người Việt Nam khôn ngoan”. Họ còn cho hay học sinh gốc Việt nhận được bằng tú tài nhiều hơn là cả học sinh Đức cùng trang lứa.

Để lại phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn