Mỗi khi nhắc tới Gimchi, Gimbap hay Hanbook, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến đất nước Hàn Quốc xinh đẹp với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Với nền điện ảnh và âm nhạc có sự phát triển vượt trội, đất nước Hàn Quốc đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam, từ những em học sinh đang trong độ tuổi đến trường cho đến những người già trung niên, không ai còn lạ lẫm gì với những bộ phim truyền hình đình đám một thời như: Trái tim mùa thu, Giày thủy tinh, Nàng Dea-Jang-Geum hay Chuyện tình Harvard… Qua những thước phim đó, các bạn cũng đã biết qua phần nào về văn hóa Hàn Quốc phải không?
Như chúng ta đã biết, Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại đang là một trong bốn con rồng nhỏ của châu Á, một đất nước rất hiện đại và là nền kinh tế phát triển mạnh, nhưng là một đất nước mang đậm bản sắc truyền thống nên người dân Hàn Quốc vẫn giữ gìn khá nguyên vẹn và bền chặt những thói quen, quan điểm, tư tưởng, hay phong tục, tập quán của dân tộc mình.
Hãy cùng điểm qua những nét văn hóa rất riêng, cũng như những điều chúng ta cần biết khi có dự định đi du học Hàn Quốc nhé!
1. Văn hóa chào hỏi
Người Hàn Quốc rất chú trọng đến thái độ và cử chỉ khi chào hỏi. Nụ cười và động tác gập lưng không thể thiếu trong văn hóa chào hỏi ở Hàn Quốc. Do sự thâm nhập của văn hóa phương Tây và sự phát triển của xã hội hiện đại mà ngày nay người ta có thể thay động tác gập lưng bằng cái cúi đầu nhẹ. Tuy nhiên, ở những trường hợp đặc biệt trang trọng hoặc thể hiện sự kính trọng với người cao tuổi, người có chức vụ cao trong xã hội thì động tác gập lưng vẫn được đặc biệt coi trọng. Người Hàn Quốc thường đánh giá cao những nỗ lực của người nước ngoài khi cố gắng bày tỏ lời chào bằng chính ngôn ngữ Hàn Quốc: “An-nhon-ha-sae-yo!”.
Khi gặp người Hàn Quốc bạn nên cúi đầu chào và không gọi tên của người khác khi họ chưa cho phép hoặc đề nghị với bạn về điều đó. Người Hàn hay sử dụng danh thiếp đặc biệt là những người làm kinh doanh, nếu họ đưa cho bạn danh thiếp và không được nhận lại danh thiếp từ bạn thì họ nghĩ rằng bạn không muốn làm quen với họ. Bạn hãy luôn cố gắng giữ thái độ vui vẻ, khiêm tốn và tôn trọng người khác điều này sẽ để lại ấn tượng tốt với đối phương. Nụ cười và thái độ lịch sự, thân thiện trong văn hóa chào hỏi không chỉ thể hiện sự tôn trọng, tình đoàn kết cộng đồng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Hàn Quốc: hiện đại, văn minh và chuyên nghiệp.
2. Văn hóa giao tiếp ứng xử
Trong những buổi họp nhóm và những bữa tiệc, bạn không nên tự giới thiệu mình trước mọi người, tốt nhất bạn nên có một người bạn đi cùng để giới thiệu bạn với những người khác. Khi ngồi ở những chỗ đông người, đàn ông nên chú ý đặt mũi giầy của mình chúc xuống và không nên vắt hai chân lên nhau trước mặt người khác. Khi gặp người lớn tuổi, bạn nên dành ra vài phút để thăm hỏi họ. Tốt nhất bạn nên ca ngợi về sức khỏe của họ.
Người Hàn Quốc nói chuyện với giọng nói khá nhỏ nhẹ và giữ im lặng một vài lần trong khi nói chuyện; đồng thời họ luôn đánh giá cao những người có thái độ khiêm tốn. Vì coi trọng thể diện nên người Hàn Quốc thường không trả lời trực tiếp, việc họ gật đầu hay nói “vâng” trong giao tiếp không có nghĩa là họ đồng ý. Trong khi giao tiếp nên chú ý không đụng chạm vào người khác trừ khi bắt tay. Người Hàn Quốc quan niệm rằng chân là bộ phận không sạch sẽ vì thế hãy chú ý đừng đụng chạm chân vào người đối diện.
3. Văn hóa ăn/ mặc
Trang phục truyền thống Hanbook thường được mặc vào những ngày lễ đặc biệt như Tết âm lịch và Chuseok – ngày Lễ mùa (Hội mùa rằm trung thu), và các ngày lễ của gia đình như Hwangap – lễ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 60.
Bữa cơm truyền thống của người Hàn Quốc không thể thiếu được món Gimchi, món ăn được làm từ nhiều loại rau muối như cải bắp, củ cải, hành xanh và dưa chuột.
Ngoài ra, canh rong biển, cơm cuộn rong biển, cơm trộn, mỳ lạnh, mỳ đen, gà hầm sâm hay món bánh gạo sốt cay, chả cá thường được bán trên các đường phố,…cũng là những món ăn rất đặc trưng của xứ Hàn. Nếu có cơ hội được đặt chân và trải nghiệm tại quốc gia này, các bạn đừng quên nếm thử ít nhất một lần những món ăn vô cũng đặc biệt và hấp dẫn này nhé!
4. Văn hóa tặng quà
Quà tặng thể hiện rất lớn về mối quan hệ ngoại giao thân hữu tại Hàn Quốc và nó luôn luôn được đáp lại. Số 4 được cho là con số không may mắn, vì vậy quà tặng của bạn không được là bội số của 4. Người Hàn quan niệm số 7 là con số may mắn. Giấy gói quà màu đỏ và vàng được sử dụng phổ biến ở Hàn Quốc, không nên gói quà bằng giấy màu xanh lá cây, trắng hoặc đen. Quà tặng phải đảm bảo được gói tinh tế và sắc sảo. Trao và nhận quà bằng cả 2 tay. Không nên mở quà ngay trước mặt người tặng. Tuy nhiên, bạn cũng nên hỏi xem liệu bạn có thể mở quà ngay hay không.
Qua đây các bạn đã nắm được thông tin cơ bản về văn hóa Hàn Quốc. Hãy trang bị cho mình những hành trang thật đầy đủ để tự mình khám phá đất nước và con người nơi đây nhé.