Trước tình trạng lao động hết hạn hợp đồng ở lại, cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn còn ở mức cao, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp Trung tâm Lao động ngoài nước và các Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức các họat động tuyên truyền, vận động tại các địa phương. Điển hình trung tuần tháng 8/2017 tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc cao vừa tổ chức hội nghị “Tuyên truyền vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng quy định”.
Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có gần 1.300 lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, chiếm 52% tổng số lao động hết hạn hợp đồng. Năm 2016 và 2017, đã có 6 địa phương bị hạn chế tuyển chọn đó là các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc và Kỳ Anh.
Đối với Nghệ An năm 2016, tỷ lệ này là 43,18%, đứng thứ 15 cả nước, nhưng về số lượng thì đứng thứ nhất do lao động Nghệ An sang làm việc tại Hàn Quốc có số lượng rất lớn. Vì vậy mà trong 2 năm gần đây, có đến 11 huyện, thị ở Nghệ An bị hạn chế tuyển chọn sang Hàn Quốc làm việc.
Tại Hội nghị Lãnh đạo 2 Sở Nghệ An và Hà Tĩnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương, trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc có những giải pháp mạnh hơn, đặc biệt là tuyên truyền, xử lý. Đề nghị bổ sung chế tài, làm rõ quy định về những gia đình có thân nhân cư trú bất hợp pháp, người tiếp theo không được đi. Khuyến khích các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Các phường xã cần niêm yết danh sách các lao động bất hợp pháp, công khai tên tuổi. Nếu sau đó vẫn không hiệu quả, tiếp tục thông báo trên loa phát thanh của địa phương. Tổ chức ký cam kết. Đưa vào tiêu chí xếp loại hộ gia đình văn hóa
Phát biểu Tại hội nghị ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết; EPS được đánh giá là một trong những chương trình hợp tác lao động có hiệu quả, không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương. Tuy nhiên, do ý thức chấp hành pháp luật, cũng như không nhận thức được những hậu quả khi trốn lại Hàn Quốc nên số lao động hết hạn hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp ngày càng gia tăng. Trong thời gian tới để hạn chế lao động bỏ trốn khi hết hạn hợp đồng, ngoài việc thực hiện ký quỹ thì các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền đã vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động gia đình và bản thân người lao động chấp hành đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng và các quy định của Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc