Lối thoát nào cho trung cấp ngành y?

0
658

Để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế, góp phần cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có quyết định về việc ngành Y tế không tuyển viên chức trình độ trung cấp ngành Y chuyên nghiệp từ năm 2021. Thông tin này làm cho hàng trăm cơ sở đào tạo và hàng nghìn giáo viên, học sinh đang giảng dạy, học tập ở trình độ này hoang mang, lo lắng.

Theo quy định mới của Bộ Y tế, năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý… hệ trung cấp. Từ thời điểm kể trên, các vị trí này sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ cao đẳng. Từ năm 2025, sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành Y tế. Trước mắt, từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học. Đây là một trong những bước đi nhằm tiến tới sự hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Bởi hiện nay, ở các nước trong khu vực, cán bộ công tác tại các vị trí kể trên đã đạt trình độ thấp nhất là hệ cao đẳng. Cá biệt như tại Thái Lan, tất cả nhân lực ngành Y đều đạt trình độ đại học trở lên. Ngoài ra, xuất phát từ tình hình thực tế trong nước thời gian qua, các trường ồ ạt tuyển sinh đào tạo trung cấp y dược đã dẫn tới tỉ lệ học viên tốt nghiệp không có việc làm chiếm tỉ lệ cao.

Hiện cả nước có khoảng 135 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp nhóm ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, với tổng học sinh trung cấp trên 126.000 người và trên 5.000 giáo viên trung cấp. Trong số 135 cơ sở đào tạo ngành Y tế, có 80 trường trung cấp, 45 trường cao đẳng và 10 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trung cấp. Số học sinh nhập học theo ngành đào tạo chủ yếu năm 2015 là: Y sĩ 21.116 người, dược 28.749 người và điều dưỡng 10.286 người. Tại Nghệ An, ngoài Trường Trung cấp Y khoa miền Trung vừa công bố thành lập vào cuối tháng 2/2016 với hơn 400 người đang được đào tạo trung và sơ cấp, một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng đào tạo hệ trung cấp ngành Y, đó là chưa kể nhiều trường trung cấp, cao đẳng trong nước cũng mở “chi nhánh” tại Nghệ An như Trung cấp Y dược Bắc Ninh, Trung cấp Dược Phú Thọ, Cao đẳng Y Hà Tĩnh… với hàng nghìn học sinh đang theo học các loại hình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp liên quan đến y, dược.

Trước thông tin Bộ Y tế ngừng tiếp nhận nhân sự có trình độ trung cấp từ năm 2021, đã có những ý kiến trái chiều. Hiệu trưởng một trường trung cấp y trên địa bàn TP Vinh cho biết, 5 năm tới, khi quy định của Bộ Y tế đi vào thực tế, nhà trường cũng đã hoàn tất lộ trình lên cao đẳng nên trường cũng không quá bận tâm với quy định này. Trong khi đó, một ý kiến khác lại cho rằng, để từ trung cấp lên cao đẳng, thời gian 5 năm là quá ít. Về nhân lực có thể giải quyết được, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì lấy đâu ra kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng khuôn viên?

Đối với những học sinh đang theo học hệ trung cấp ngành Y, giải pháp được đưa ra sau khi có thông tin trên là sẽ học liên thông để lấy bằng cao đẳng trước khi ra trường. Câu hỏi đặt ra là, từ năm nay, các trường trung cấp Y có nên tiếp tục tuyển sinh và người học có nên học trung cấp Y nữa không? Về vấn đề này, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, học sinh nên lựa chọn các trường đào tạo có uy tín, cơ sở vật chất đầy đủ, có mối quan hệ tốt với các cơ sở khám, chữa bệnh. Bởi thực tế cho thấy, đối với ngành dược, học sinh tốt nghiệp nếu không làm việc trong các cơ sở y tế Nhà nước thì có thể mở quầy bán thuốc ở địa phương hoặc làm trong các nhà máy sản xuất dược phẩm. Ngoài ra, còn có học sinh theo học các ngành khác như hộ sinh trung cấp, dân số… Các học sinh trung cấp chuyên nghiệp ra trường trong những năm qua có thể làm việc trong các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập, đi lao động ở nước ngoài hoặc tự tạo việc làm.

Như vậy, có thể hiểu, trung cấp hay cao đẳng chỉ là vấn đề quy định đặt tên cho trình độ đào tạo. Nếu Bộ Y tế kiên quyết giữ quy định này thì các trường trung cấp Y dược cũng sẽ nâng cấp lên thành cao đẳng. Lúc này, vấn đề đặt ra là chất lượng đào tạo, văn bằng phải có giá trị đích thực chứ không vì bệnh thành tích mà ồ ạt “uốn nắn” cho vừa khung, lộ trình theo quy định của Bộ Y tế. Dù quy định của Bộ Y tế còn tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau song việc cao đẳng hóa nhân lực ngành Y tế bắt đầu từ năm 2021 là một tín hiệu tốt nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Cùng lắng nghe trao đổi với ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế)về những thắc mắc trong quyết định “khai tử’ Trung cấp Y.

a-loi.jpg
Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế).

PV: Thưa ông, theo đúng quy định của Bộ Y tế thì từ năm 2021, các BV, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý… hệ trung cấp. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên ra trường hệ trung cấp không có việc làm. Vậy giải quyết như thế nào?

Như chúng ta đã biết, Việt Nam đang tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được thành lập từ 31/12/2015. Ở lĩnh vực y tế, Việt Nam đã ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN ở các lĩnh vực điều dưỡng (từ năm 2006), bác sĩ và nha sĩ – răng hàm mặt (từ năm 2009). Theo đó, để được hành nghề điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, thời gian đào tạo tối thiểu là 3 năm, còn đối với dược, nha sĩ và bác sĩ thì đòi hỏi thời gian đào tạo dài hơn. Hơn nữa, ở các nước thì muốn hành nghề đều phải trải qua kỳ thi quốc gia mới được cấp giấy phép hành nghề.

Vừa qua, liên Bộ Y tế – Nội vụ đã có các thông tư liên tịch hướng dẫn xếp hạng viên chức đối với các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y và dược. Theo nội dung của các thông tư này, từ 1/1/2021 các cơ sở sự nghiệp y tế công lập sẽ không tuyển mới trình độ trung cấp các ngành này và từ 1/1/2025 để được xếp hạng viên chức các ngành này, người lao động phải có trình độ cao đẳng trở lên.Có thể nói đây là chủ trương rất cần thiết trong bối cảnh chính chúng ta phải nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám bệnh, đồng thời như trên đã nêu, chúng ta cũng phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế – theo lộ trình chúng ta bị chậm mất 9 năm.

Xuất phát từ thực tế trên, Bộ Y tế đã có ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo và có khuyến nghị các cơ sở dừng đào tạo trung cấp từ năm 2018 chính là thực hiện lộ trình đó.

 
PV: Xin ông cho biết, những người đã đào tạo hệ trung cấp y và ra trường sẽ tìm việc làm thế nào, nếu chưa xin được việc bởi bằng đã không có giá trị? 

Hiện chưa có thống kê đầy đủ nhưng với quy mô đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp quá nhiều trong những năm vừa qua khiến nhiều người được đào tạo nhưng không có việc làm đúng với văn bằng đào tạo. Những trường hợp này, nếu có nguyện vọng làm chuyên môn vẫn có thể sử dụng bằng trung cấp để đăng ký xét tuyển vào các cơ sở y tế đến trước 1/1/2021.
PV: Vậy còn những người có bằng trung cấp đã đi làm thì sẽ thế nào khi có quy định mới?

Đối với các viên chức có trình độ trung cấp đã công tác tại các cơ sở y tế sẽ được lập kế hoạch để cử đi đào tạo nâng cao trình độ. Những người trình độ trung cấp đang làm việc trong cơ sở y tế vẫn làm việc bình thường đến trước 1/1/2025 nhưng phải dành thời gian học tập nâng cao trình độ.Với số lượng và năng lực của các cơ sở đào tạo hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo nâng cao trình độ cho những người này. Đồng thời, Bộ Y tế đã có chỉ đạo để các cơ sở y tế có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho những người này để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu theo quy định của các thông tư nói trên nhưng vẫn đảm bảo có người làm chuyên môn.

yta.jpg
Y tá rất cần cho quá trình chăm sóc người bệnh.

PV: Hiện tại các cơ sở y tế tuyến dưới đang thiếu nhân lực ngành y, trong đó đội ngũ nhân viên y tế như điều dưỡng, dược sĩ, nữ hộ sinh… có bằng trung cấp cũng quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Khi không tuyển dụng đối tượng này sẽ xảy ra tình trạng thừa người ra trường nhưng thiếu nhân viên tại cơ sở y tế?

 
Chúng tôi cho rằng cần có nhiều chính sách đồng bộ để giải quyết thực trạng này. Thứ nhất, phải có chính sách thu hút, đãi ngộ hợp lý. Thứ hai, phải có quy định về trách nhiệm xã hội của cán bộ y tế thông qua chế độ luân phiên bắt buộc như nhiều nước đã làm. Thứ ba, về đào tạo là thực hiện chế độ đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đào tạo cử tuyển hợp lý như chúng ta đang làm trên nguyên tắc phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu để giải quyết các kỹ thuật chuyên môn cơ bản, ban đầu, hiện nay vẫn có một số loại hình đào tạo như nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản đang làm việc tại các vùng khó khăn. Các giải pháp trên, Bộ Y tế đang làm rất tích cực.
Đối với những người đã được đào tạo và có bằng trình độ trung cấp chưa có việc làm, như trên đã nêu, với quy mô tuyển sinh quá nhiều trong những năm vừa qua, thì ngay khi chưa có các thông tư liên tịch nói trên cũng đã có nhiều người không có việc làm đúng lĩnh vực chuyên môn được đào tạo. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của chúng tôi, nhiều nước trên thế giới vẫn sử dụng đối tượng đã qua chương trình đào tạo 2 năm và được làm việc tại các cơ sở chăm sóc y tế với chức danh là nhân viên chăm sóc hay trợ lý điều dưỡng chứ không phải là điều dưỡng và không được hành nghề tại các BV. Trong thời gian qua, nhiều người Việt Nam cũng đã đi xuất khẩu lao động theo loại hình này. Những người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp mà chưa có việc làm cần tìm hiểu thêm về loại hình này.
PV: Nếu học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, học phí sẽ thế nào, thưa ông?
Về học phí, theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ thì mức trần học phí trình độ cao đẳng, trung cấp lĩnh vực y dược tăng dần qua các năm từ 620.000đ/tháng năm học 2015-2016 đến 1.140.000đ/tháng năm học 2020-2021. Như vậy, nếu học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong 4 học kỳ thì học phí tối đa khoảng 22.800.000đ.
tiem-chung.jpg
 Tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi tại Trạm y tế xã ở Bắc Kạn.

PV: Hiện phần lớn tuyến xã nhân viên thuộc hệ trung cấp. Nhiều cán bộ y tế trung cấp đã 40-50 tuổi. Với họ, bài toán đặt ra là phải chạy theo chuẩn hóa hay về “hưu non”. Bộ Y tế nên có chính sách hỗ trợ cho những trường hợp này không?

Chúng tôi cũng đã thống nhất nguyên tắc là nếu những người sẽ nghỉ chế độ trước ngày 1/1/2025 thì không nhất thiết phải học tập nâng cao trình độ. Đối với những trường hợp còn lại đang làm việc tại tuyến xã, theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ thì tổ chức y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị y tế thuộc Trung tâm y tế tuyến huyện. Do đó, việc đào tạo nâng cao trình độ sẽ do Trung tâm y tế tuyến huyện điều phối để vừa đảm bảo nâng cao trình độ, vừa duy trì hoạt động chuyên môn trên địa bàn.

PV: Còn với người làm y tế học đường thì có phải chuyển đổi cao đẳng không, thưa ông?

Theo quy định, những người đang làm việc mà xếp hạng viên chức thuộc các lĩnh vực điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y học và dược sẽ chịu tác động theo quy định của các Thông tư nói trên.
PV: Xin cảm ơn ông!

Để lại phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn