SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TIẾNG ĐỨC VÀ TIẾNG VIỆT

0
687

1) Động từ tiếng Đức khi dùng trong câu phải chia cho chủ ngữ, tiếng Việt không có sự chia động từ.

2) Tiếng Đức có thể hoán vị vị trí của chủ ngữ và các thành phần khác qua động từ được chia, tiếng Việt thì nói theo trình tự Subjekt-Prädikat-Objekt (Chủ ngữ-Vị ngữ-Thành phần bổ sung), không thể hoán vị được.

3) Có bốn cách trong tiếng Đức, tiếng Việt không có sự chia cách. Cứ ai được nhắc đến trước sẽ là chủ ngữ, là thủ phạm.

4) Động từ được chia (Prädikat) và những động từ khác tạo thành một khung văn phạm trong tiếng Đức (Grammatikrahmen). Trong khung này người ta có thể nhồi nhét vào rất nhiều thứ, câu trong câu, nhiều tầng, nhiều lớp tạo thành một câu phức đôi khi có thể dài cả trang giấy. Nếu không có kiến thức văn phạm sẽ không hiểu được nhưng câu phức này dù là hiểu tất cả các từ riêng biệt. Vì thế người ta có thể dễ dàng học tiếng Đức đối thoại nhưng không dễ dàng hiểu được văn tự Đức, nhất là viết tiếng Đức lại càng khó do sự biến đuôi cực kỳ phức tạp của các loại từ. Xã hội Đức, một phần cũng do ngôn ngữ của họ, có sự phân chia tương đối rõ ràng giữa người có học và người ít học hơn.

5) Danh từ trong tiếng Đức có thể được ghép lại từ nhiều loại từ khác nhau thành một danh từ mới có ý nghĩa phức tạp và nhiều khi dài tới 50, 60 chữ hoặc hơn. Tiếng Việt không có sự ghép danh từ này.

6) Tiếng Đức có ba giống, giống đực, giống cái, giống trung. Tiếng Việt không có giống rõ ràng, chỉ có „cái, con“ và “thằng”.

7) Tính từ trong tiếng Việt luôn đứng đằng sau danh từ và không có sự biến đuôi theo giống, số và cách. Tính từ trong tiếng Đức đa số đứng đằng trước danh từ và có 72 khả năng biến hóa (Tôn Ngộ Không?).

8) Động từ trong tiếng Đức rất phức tạp, đôi khi cũng rất trìu tượng cầu kỳ. Nhiều động từ chỉ dành riêng cho người hoặc thú vật hay là cây cỏ. Ví dụ động từ „essen = ăn“ chỉ dùng cho người. Các loài động thực vật phải dùng động từ khác (fressen). Ngoài ra càng ngày càng có nhiều động từ có xuất xứ từ các ngôn ngữ khác được sử dụng trong tiếng Đức. Thêm nữa bất cứ một hành động nào cũng có thể tạo nên một động từ mới. Ví dụ động từ „googeln“ được xuất phát từ hành động vào mạng Internet dùng máy tìm của hãng Google để tìm một cái gì đó. Cách đây 20 năm không có động từ này. Những động từ tương tự như thế này hầu như không thể xẩy ra trong tiếng Việt, vì thế nên trong công nghệ vi tính chúng ta bị thiệt thòi nhiều. Có lẽ tiếng Việt cũng cần có một vài cải cách cho phù hợp với trào lưu chung.

9) Đại từ nhân xưng trong tiếng Việt do văn hóa cổ (Nho giáo) nên rất phong phú. Tiếng Đức tương đối đơn giản. Chỉ một chữ „du“ ta cũng có thể dịch ra rất nhiều từ khác nhau trong tiếng Việt.

10) Khi đọc số hàng chục trong tiếng Đức người ta đọc số hàng đơn vị trước rồi mới đến hàng chục. Ví dụ số 23 thì đọc là „dreiundzwanzig“. Mà khi viết thì người ta lại viết số hai trước số ba. Điều này tưởng là nhỏ nhặt nhưng thực ra rất khó chịu không những chỉ đối với người nước ngoài học tiếng Đức mà ngay cả đối với người Đức.

Dĩ nhiên trên đây chỉ là liệt kê những sự khác nhau cơ bản giữa hai thứ tiếng. Nếu đi sâu vào chúng ta còn phát hiện ra nhiều điểm khác nhau nữa. Nhưng vốn hai ngôn ngữ này là hai ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt nên những sự khác nhau dĩ nhiên là phải có.

Để lại phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn